GD&TĐ - Sách giáo khoa Tiếng Anh THPT có cung cấp các bài viết mẫu đi kèm với yêu cầu chính của mỗi bài học.
Các bài viết mẫu có thể được đưa ra ở nhiều dạng khác nhau như: Điền vào chỗ trống (gap-filling), sắp xếp đoạn văn (ordering) hay đọc đoạn văn trả lời câu hỏi (question and answer)…
Dụng ý cuối cùng nhà biên soạn sách mong muốn đạt được là giúp giáo viên và học sinh có thể sử dụng bài viết mẫu đó, biết cách phân tích nhằm đưa ra được dàn ý (outline) của bài viết, học hỏi các cấu trúc ngữ pháp hay, những từ ngữ chuyên dụng cho từng chủ đề viết để phục vụ cho quá trình dạy và học.Nếu nắm bắt được điều này và biết tận dụng ưu điểm ấy thì quá trình dạy - học Viết của giáo viên và học sinh sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Cô giáo Bùi Thị Thu Nhung (Trường THPT Nguyễn Siêu - Hưng Yên) tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm giúp phân tích các bài viết mẫu tiếng Anh đạt hiệu quả cao nhất.
Bắt đầu bằng câu hỏi mở
Kinh nghiệm của cô giáo Bùi Thị Thu Nhung, trong quá trình làm bài, giáo viên cần hướng dẫn học sinh đọc và phân tích bài viết mẫu bằng cách đặt các câu hỏi mang tính gợi mở, yêu cầu học sinh phải suy nghĩ, tìm tòi, phân tích để đưa ra câu trả lời chính xác.
Ví dụ: Đoạn văn được chia làm mấy phần? Phần mở đầu tác giả muốn giới thiệu điều gì? Có mấy ý chính trong phần thân bài? Nó được trình bày ra sao? Tác giả đã liên kết các ý trong đoạn văn như thế nào?...
Sau khi học sinh đưa ra câu trả lời, giáo viên cần tổng kết giúp học sinh đưa ra dàn ý chi tiết của đoạn văn, chỉ ra các cấu trúc cơ bản, chuyên biệt cho từng dạng bài viết. Học sinh cần ghi chú lại các cấu trúc đó và ghi nhớ.
Giáo viên có thể yêu cẩu học sinh lấy ví dụ, đặt câu với các cấu trúc và từ ngữ vừa học để kiểm tra xem học sinh đã thực sự hiểu và nắm vững vấn đề hay chưa.
Cuối cùng, giúp học sinh ứng dụng các cấu trúc, từ ngữ vừa lấy được từ bài viết mẫu vào giải quyết nhiệm vụ chính của bài học - viết đoạn văn theo chủ đề đã cho.
Bên cạnh đó, sự tích cực, chủ động của học sinh cũng có vai trò quan trọng không kém. Các em phải chủ động phân tích, tìm hiểu vấn đề theo gợi ý của giáo viên, không ỷ lại hay ngồi nghe một cách thụ động.
Học sinh có thể chủ động đặt câu hỏi về những vấn đề các em chưa biết hoặc cần làm rõ. Sự phối hợp nhịp nhàng, hỗ trợ lẫn nhau giữa giáo viên và học sinh là yếu tố quan trọng nhất làm nên hiệu quả trong giờ học.
Thực hành phân tích đoạn văn bản mẫu
Giáo viên đóng vai trò tích cực trong việc thử nghiệm phương pháp thực hành viết phân tích theo văn bản cho sẵn; là người cung cấp mẫu văn bản, gợi ý thông tin cần thiết liên quan đến chủ đề văn bản, từ vựng, kết cấu câu, điểm ngữ pháp cần lưu ý và các thể loại văn bản phù hợp với trình độ học viên.
Giáo viên cũng là người hướng dẫn học sinh tham gia vào hoạt động phân tích và áp dụng. Hoạt động này đem đến sự mô phỏng sáng tạo loại bỏ những ý, câu thừa không cần thiết.
Cô Bùi Thị Thu Nhung cho rằng, đây là phương pháp tốt, tạo động cơ cho người học, đem lại sự chính xác, tự tin và sự thích thú trong khi viết.
Viết là hoạt động phức tạp phối hợp nhiều kỹ năng khác. Để có một bài viết tốt, người viết cần lĩnh hội một lượng từ vựng cần thiết, một số kết cấu cơ bản, bố cục nội dung chặt chẽ rõ ràng và cách trình bày một bài viết.
Vì thế, việc thực hành phân tích và viết theo mẫu văn bản cho sẵn sẽ giúp học sinh biết cách triển khai cụ thể các phần trong đoạn văn, cách liên kết các ý tưởng trong từng phần, nhằm phát triển kỹ năng viết.
Nếu được hướng dẫn kỹ nội dung cần viết và cách xây dựng bố cục một bài viết thế nào là tốt, chặt chẽ, mạch lạc thì người học sẽ tiến bộ nhanh chóng.
Nguồn: http://daotaotienganh.org