GD&TĐ - Trong dạy học Ngoại ngữ, ngoài nắm vững kiến thức ngôn ngữ, thực hiện tốt kĩ năng nghe, nói, đọc, kĩ năng viết đóng vai trò quan trọng không kém. Dạy viết là một trong những nội dung cơ bản và là sự kết hợp tinh tế của giảng các kĩ năng ngôn ngữ khác.
Cô giáo Bùi Thị Thu Nhung – Trường THPT Nguyễn Siêu (Hưng Yên) chia sẻ các phương pháp dạy viết tiếng Anh hiệu quả, đảm bảo chính xác yêu cầu bài viết, đúng ngữ pháp và có sáng tạo.
Những khó khăn từ phía giáo viên và học sinh
Từ góc độ giáo viên dạy Ngoại ngữ, cô Bùi Thị Thu Nhung thấy rằng, sách Tiếng Anh 11 - Chương trình cải cách có sự phân chia rất rõ ràng các kỹ năng: Reading - Speaking - Listening - Writing. Cuối mỗi bài là phần Language Focus - tập trung vào phân tích các thành tố ngữ pháp. Trong mỗi phần lại được phân chia thành các nhiệm vụ cụ thể.
Như vậy, sách giáo khoa Tiếng Anh 11 như một “giáo án mẫu”, tạo thuận lợi cho giáo viên trong quá trình dạy học.
Tuy nhiên, cô Bùi Thị Thu Nhung lưu ý, điều này không có nghĩa là giáo viên chỉ cần yêu cầu học sinh làm chủ các quy trình trong sách giáo khoa là xong, mà quan trọng nhất là cần có những thủ thuật chuyển hóa các quy trình đó thành kỹ năng thực thụ.
Tuy nhiên, thực hiện điều này, nhận định của cô Nhung, giáo viên hiện vẫn có những cản trở từ việc có quá nhiều học sinh trong lớp; sự sự không đồng đều về năng lực, trình độ giữa các học sinh.
Bên cạnh đó, giáo viên thường cảm thấy áy náy vì không thể kiểm soát và sửa hết được tất cả các lỗi của học sinh hoặc không giúp đỡ được hết học sinh trong quá trình viết; việc sửa lỗi và cho điểm tốn rất nhiều thời gian; quá trình viết thường nhiều hơn 45 phút cho phép.
Khó khăn lớn nhất mà hầu hết giáo viên gặp phải, theo chia sẻ của cô Bùi Thị Thu Nhung là hạn chế kiến thức về tiếng Anh của học sinh, như: Không có đủ từ vựng hoặc cấu trúc câu để diễn đạt ý; có khuynh hướng sử dụng Tiếng Anh nói khi viết hoặc khuynh hướng dịch các ý từ Tiếng Việt sang Tiếng Anh khi viết;
Có học sinh thì sử dụng sai các mục đích, yêu cầu của các kiểu bài khác nhau; diễn đạt các ý kiến, thông tin trong cùng một câu hoặc một đoạn văn dài; chưa biết cách sử dụng, khai thác các tài liệu tham khảo, dẫn đến việc sao chép y nguyên đáp án, bài làm mẫu chỉ để hoàn thành bài tập được giao.
Từ nhiều nguyên nhân, không ít học sinh thường chán nản với giờ học viết và hiệu quả giờ học không cao.
3 bước viết đoạn văn phân tích biểu đồ
Để viết được một đoạn văn phân tích biểu đồ hay, cô Bùi Thị Thu Nhung gợi ý, trước hết cần nắm rõ thế nào là đoạn văn và cấu trúc của nó. Đoạn văn là sự kết hợp một vài câu cùng bàn luận về một đề tài chung và được chia thành ba phần cơ bản: Câu chủ đề, phần bổ trợ và câu kết.
Câu chủ đề (Topic sentence): Giới thiệu khái quát ý của cả đoạn văn; định hướng người đọc phần tiếp theo của đoạn văn và giúp người viết kiểm soát được ý, không bị viết lệch hướng. Câu chủ đề thường là câu đứng đầu đoạn, đặc biệt trong các đoạn văn học thuật.
Cũng có những trường hợp câu chủ đề không đứng ở đầu câu mà ở giữa câu hoặc cuối câu nhưng sẽ ít gặp hơn.
Đối với đoạn văn phân tích biểu đồ, câu chủ đề luôn xuất hiện ở đầu đoạn nhằm giới thiệu đối tượng được thể hiện ở biểu đồ, các thông tin về thời gian, địa điểm và xu hướng chung nhất được thể hiện ở biểu đồ. Với những biểu đồ chứa nhiều thông tin thì câu chủ đề có thể được tách làm hai câu.
Nhìn chung, về cơ bản thì cách viết một đoạn văn phân tích biểu đồ cũng giống như cách viết một đoạn văn phân tích thông thường. Tuy nhiên thì phần nội dung cần bám sát vào các thông tin thể hiện trong biểu đồ.
Các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Suy nghĩ cẩn thận về những điều định viết. Thông thường người viết cần suy nghĩ xem mình sẽ miêu tả biểu đồ đó thế nào bằng cách trả lời các câu hỏi như:
Phần quan trọng nhất cần trình bày về biểu đồ là gì? Câu chủ đề cần được viết như thế nào? Cần dùng những sự việc, ý kiến nào để bổ trợ cho câu đề tài? Cần phải phân tích biểu đồ như thế nào, mô tả liệt kê hay so sánh đối chiếu để làm rõ vấn đề?
Bước 2: Dựa vào biểu đồ, đọc những thông tin được thể hiện trên biểu đồ như đối tượng được thể hiện trên biểu đồ là gì? Được thể hiện bằng thông số gì, phần trăm hay các số chỉ lượng, đơn vị tính? Đối tượng đó được tính theo thời gian hay khu vực? Có những xu hướng nào được thể hiện trên biểu đồ? …
Tuy nhiên, cũng không cần phải dành quá nhiều thời gian cho bước này; đừng viết quá chi tiết, chỉ cần viết ngắn gọn đủ để giúp nhớ được mục đích và phương thức để viết đoạn văn.
Bước 3: Thu thập các thông tin cần thiết từ biểu đồ, lập dàn ý, tập trung các từ ngữ, cấu trúc ngữ pháp cần thiết để chuẩn bị cho bài phân tích.
Viết đoạn văn phân tích (Writing)
Đây là giai đoạn vận dụng những ý kiến của mình để viết câu. Trong phần này, học sinh cần nhớ lại cách viết câu chủ đề, những câu bổ trợ và câu kết. Cần chú ý viết những câu đơn giản và rõ ràng để bày tỏ ý kiến của mình. Hãy cố gắng tập trung vào ý chính của đoạn văn, tránh đi lệch hướng.
Để giúp đoạn văn được rõ ràng, mạch lạc, dễ theo dõi, người viết cần nắm vững một số cấu trúc sau:
Mở bài: Người viết cần nói được biểu đồ biểu diễn số liệu về gì bằng các mẫu câu sau: The table shows/illustrates the trends in… between…; The graph shows…; The chart shows how the … have changed…
Sau đó, cần có câu tóm tắt tổng quát dữ liệu bằng cách nhìn tổng quát các dữ liệu chính; thường bắt đầu với: In general,…; Overall,…; It can be seen that…
Thân bài: Miêu tả những xu hướng chung nhất, nổi bật nhất từ các dữ liệu. Khi trình bày các dữ liệu, phải sử dụng các từ nối để làm câu văn logic và mạch lạc. Những từ nối như: in addition, therefore, furthermore,....
Tiếp theo cần miêu tả chi tiết hơn, vẫn tập trung vào xu hướng chính nhưng tập trung hơn vào các dữ liệu nhỏ hơn, kèm theo số liệu minh họa.
Kết bài: Phần kết luận thường bắt đầu bằng In conclusion, To summary, To sum up,… và tiếp đó là thông tin chung nhất về nội dung biểu đồ. Tránh sử dụng lặp từ so với phần mở bài.
Chỉnh sửa lại đoạn văn (Correction)
Đây là giai đoạn kiểm tra đoạn văn để tìm lỗi và sửa lại. Trong quá trình kiểm tra, cô Bùi Thị Thu Nhung cần chú ý về những vấn đề sau:
Về ngữ pháp và chính tả: Sau khi viết xong, người viết cần đọc lại bài viết của mình, kiểm tra các lỗi chính tả, ngữ pháp trong bài. Cần đảm bảo mỗi câu trong bài đều là câu có nghĩa, chú ý sự hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ, và kiểm tra lại thì của mỗi câu…
Văn phong và cách tổ chức đoạn văn: Người viết cần đảm bảo bài viết của mình có câu chủ đề và câu bổ trợ đều tập trung vào ý chính, đúng chủ đề tạo nên sự thống nhất cho toàn bài viết. Thêm vào đó, một bài viết tốt cần có sự liên kết rõ ràng, mạch lạc giữa các ý trong bài bằng các liên từ cụ thể. Bài viết nên được kết thúc một cách hợp lý.
Nguồn:
http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/ren-ky-nang-viet-bai-tieng-anh-ve-phan-tich-bieu-do-313282-v.html
Xem thêm:
http://daotaotienganh.org