Ít ai biết được rằng, cô gái Nguyễn Thị Cúc - người viết nên bài văn điểm 10 được dư luận quan tâm đã phải đi làm phục vụ, bán bánh tráng khi em mới 15 tuổi.
Học xa nhà, làm thêm kiếm sống
Ngày 16/12, một bài văn điểm 10 của em Nguyễn Thị Cúc - học sinh lớp 12/11, trường THPT Nguyễn Trãi (Đà Nẵng) về bạo lực học đường được dư luận quan tâm. Cô giáo Nguyễn Thị Châu chấm điểm 10 với những lời tâm huyết: “Cô sẽ ghi vào nhật ký đời đi dạy của mình về bài viết này với thật nhiều cảm xúc. Cô cảm ơn em”.
Cúc là cô gái có nghị lực sống. |
Khi trò chuyện cùng cô học trò lớp 12 mới biết được rằng phía sau bài văn là rất nhiều tâm sự, nỗi buồn của cô nữ sinh cấp 3.
Nguyễn Thị Cúc sinh ra và lớn tên tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng trong gia đình làm nông, có hoàn cảnh khó khăn. Em thi đỗ vào trường THPT Nguyễn Trãi (Đà Nẵng) với số điểm tương đối cao. Niềm tự hào lớn nhất của Cúc là được học trong ngôi trường mơ ước từ nhỏ này. THPT Nguyễn Trãi có bề dày thành tích khi thi học sinh giỏi xếp thứ 4/19 trong số trường tham dự và đạt chuẩn quốc gia tháng 3/2014.
Do trường cách nhà 30 km nên Cúc phải ở trọ và tự lập cuộc sống. Ngay từ đầu năm lớp 10, Cúc đã đi bưng bê, rửa bát trong quán ăn, sau đó làm phục vụ tại quán cà phê, bán quần áo trong chợ và gần đây nhất là nướng bánh tráng. Thu nhập cao nhất của em là 700.000 đồng/tháng, trong khi đó tiền thuê nhà trọ đã mất gần 400.000 đồng/tháng.
Cô Nguyễn Thị Châu – người cho Cúc điểm 10 môn Văn tâm sự: “Trong cuộc sống, Cúc là học sinh có nghị lực. Trong học tập, tôi luôn hướng các em đến những bài viết có cảm xúc và sự sáng tạo để có tính thuyết phục.Cúc đã làm được điều đó bên cạnh nhiều học trò viết văn khuôn mẫu. Điểm 10 tôi chấm là năng lực của Cúc và là một phần khích lệ, động viên em cố gắng trong quá trình học tập tiếp theo”.
Cúc mới tạm dừng công việc làm thêm vào tháng 11 vừa qua để chuẩn bị cho kỳ thi hết học kỳ 1. Nữ sinh cho biết, sau tết Nguyên Đán, em sẽ vẫn làm thêm và ôn thi, chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới.
Cúc chia sẻ: “Cuộc sống tự lập sớm của em khó khăn nhất là mỗi khi nhớ nhà phát khóc nhưng không có chi phí để về vì còn phải lo việc học”.
Cô giáo Nguyễn Thị Châu bày tỏ: "Nói về Cúc, chỉ một từ thương. Cúc là học sinh cá tính và sớm và chạm với cuộc sống. Tôi mong Cúc có nghị lực, niềm tin để sống tốt".
Mặc dù sống trong điều kiện thiếu thốn, còn nhiều khó khăn nhưng Cúc không ngừng nỗ lực trong học tập. Lớp 10 em đạt giải ba học sinh giỏi cấp thành phố bộ môn Lịch sử. Bên cạnh đó, Cúc còn được cấp học bổng Spell dành cho học sinh nghèo vượt khó từ lớp 3 cho đến nay.
Ước mơ trở thành nhà báo
Bài văn chân thật, cảm xúc viết theo hướng sáng tạo cùng những kiến thức am hiểu về xã hội của Nguyễn Thị Cúc lay động trái tim nhiều người. Sự nhân hậu trong trái tim của cô gái 17 tuổi, nỗi trăn trở về cuộc sống thiếu mất chữ “công bằng” đã tạo nên một bài văn cảm xúc.
Học sinh này viết: "Đã trôi qua một khoảng thời gian khá dài tôi đã sống, đã làm, đã ra đi... và tìm tòi những minh chứng cho điều mình nghe thấy. Thế rồi, lại đắng lòng biết mấy, khi tôi chợt nhận ra thời gian càng quay nhanh thì tình người cũng dần tan biến. Cuộc sống vô tâm làm nguội lạnh tình cảm trong trái tim mỗi người".
Bài làm của học sinh Nguyễn Thị Cúc. |
Cúc chia sẻ về điểm 10 đầu tiên em có được trong cuộc đời học sinh: “Em rất hạnh phúc, sau khi trả bài cô còn đọc trên lớp. Điểm 10 là niềm động viên lớn lao của em trong chặng đường học tập tiếp theo”.
Bài văn về bạo lực được giao về nhà đã được Cúc viết trong một buổi tối. Trước đó, Cúc đã đọc nhiều tài liệu trên mạng về đề tài này nên có phông nền kiến thức xã hội rộng. Tuy nhiên, những cảm xúc là có thật từ việc trải nghiệm thực tế.
“Em đã phải chứng kiến rất nhiều những cảnh tượng về bạo lực từ xung quanh và ngay chính trong gia đình của mình. Hôm trước em đi học về, thấy một người đàn ông đánh vợ ghê lắm. Cảm giác vừa thương xót, vừa phẫn nộ đã khiến em có cảm xúc viết trong đoạn mở đầu của bài văn” - Cúc bày tỏ.
Cúc chia sẻ: “Em có sự đồng cảm sâu sắc với những bài viết về bạo lực học đường khi đọc trên báo mạng. Em thực sự thấy thương cho những nạn nhân, nhất là những người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi khi “mỗi nhà mỗi cảnh”. Trong đó có người mẹ tần tảo, giàu đức hi sinh ở quê nhà mà mỗi lần nhớ tới”.
Nói đến đây, Cúc nghĩ thương mẹ, em bật khóc.
Đã chứng kiến nhiều nỗi buồn xảy ra, Cúc mong muốn trong tương lai mình sẽ là một nhà báo với trái tim ấm, cái đầu lạnh để viết về đề tài người phụ nữ, đồng tiền và lên án những điều xấu trong xã hội. Cúc tâm sự: “Em dự định sẽ thi khoa Báo chí, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Em ước mơ trở thành nhà báo từ một bài văn đạt 9 điểm năm học cấp 2”.