Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch hội siêu thị Hà Nội đã nói với TTO như vậy trước thông tin giá xăng giảm mạnh vào chiều ngày 22/12.
Liên bộ Công thương - Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu giảm tối thiểu tới 2.050 đồng/lít xăng A92 trong chiều ngày 22/12. Sau khi giảm, giá bán lẻ mỗi lít xăng RON 92 sẽ về mức 17.880 đồng; diezen còn 16.990 đồng, dầu mazut còn 13.130 đồng, dầu hỏa chỉ còn 17.400 đồng.
Vì sao giảm sâu?
Đây là lần giảm thứ 12 trong năm và là lần giảm giá xăng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tuy nhiên, do giá dầu giảm quá mạnh, liên Bộ Công thương - Tài chính trong văn bản điều hành đã yêu cầu doanh nghiệp trích lập vào quỹ bình ổn giá xăng dầu một mức cũng cao kỷ lục: 800 đồng/lít với tất cả các loại xăng dầu (mức trích quỹ hiện tại là 300 đồng/lít).
Đây là lần giảm giá thứ 12 trong năm.
|
Trả lời câu hỏi vì sao giá xăng dầu giảm mạnh trong lần này, TS, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích các nguyên nhân: Thời điểm hiện nay giá xăng của Mỹ là khoảng 14.000 đồng/lít, của Việt Nam là 17.880 đồng/lít. Khoảng cách về giá đã hẹp hơn trước kia. Tuy nhiên, giá xăng dầu của nước ta vẫn cao hơn giá Mỹ và các nước khác trong khu vực.
Lý giải điều này, TS Ngô Trí Long cho rằng: Trong bối cảnh sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu, thì việc giá xăng Việt Nam cao hơn thế giới là điều rất bất lợi, TS Ngô Trí Long nhận định.
Vui, nhưng…
Bình luận về việc giá xăng giảm vào dịp cuối năm, ông Vũ Vinh Phú cho rằng có những cái lợi trước mắt. Tuy nhiên, theo ông Phú, niềm vui đó chưa thể trọn vẹn, vì những mặt hàng khác vẫn chưa giảm giá.
TS, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng giá xăng giảm sâu vào thời điểm cuối năm rất có lợi cho nền kinh tế, nhất là đối với chỉ số giá tiêu dùng. Nhưng ông Long đặt ra câu hỏi: Tại sao xăng dầu giảm giá 9,10 lần nhưng các mặt hàng khác vẫn đứng yên?
“Đối với doanh nghiệp kinh doanh, mục tiêu chính của họ là lợi nhuận. Họ sẽ không tự tước đoạt đi lợi nhuận của mình”, ông Long nói.
Ông Phú cho biết, siêu thị rất muốn bán hàng rẻ nhưng nhà cung ứng vẫn chưa giảm giá. Mặt khác, nhà cung ứng đôi khi không phải là nhà sản xuất trực tiếp, có khi còn mua qua 2,3 trung gian. “Đó là lỗi của hệ thống phân phối nội địa, chứ không chỉ do giá xăng, ông Phú nói”.
Giá xăng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây.
|
Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, mặt bằng giá hiện nay trên thị trường là giá ảo. Ông dẫn chứng cụ thể các mặt hàng như đường, trứng gà…
“Vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng phải vào cuộc để có những biện pháp cụ thể, buộc những doanh nghiệp khác phải giảm giá, tránh tình trạng xăng dầu đơn độc giảm giá như những lần trước”, TS Ngô Trí Long nói.
Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, Cục quản lý giá phải chọn những mặt hàng thiết yếu, đụng chạm đến toàn xã hội như thịt heo, thịt gà, đường, sữa, dầu ăn, rau... để “nắm những nhà sản xuất lớn và gỡ giá thành.
"Ở Đức, trong thời kỳ tương tự như thế này, giá bán của họ được hình thành bằng cách cộng giá thành và lợi nhuận hợp lý lại với nhau. Nếu doanh nghiệp nào bán trên giá quy định sẽ bị xử lý", ông Vũ Vinh Phú cho biết.
Người tiêu dùng kỳ vọng
Bạn đọc Cao Gia Huy bày tỏ quan điểm: Đề nghị các ngành khác cũng giảm theo,chứ xăng tăng 1 đồng hàng tiêu dùng tăng 100 đồng, giờ xăng giảm mà các mặt hàng đó không giảm là vô lý.
Độc giả Nguyễn Văn Thịnh nói: Chỉ mong các mặt hàng thiết yếu trong nhu cầu hàng ngày: Ăn uống, chi phí đi lại,... giảm theo. Như thế thì thật là tuyệt vời.
Bạn Huỳnh Vy thắc mắc: Xăng giảm giá mừng quá, nhưng sao các ngành dịch vụ vận tải hành khách không giảm vé xe cho các tuyến cố định vậy ta.
Bạn đọc Minh Tâm đặt vấn đề: Giá xăng tăng thì giá cả tăng, người dân thắt chặt chi tiêu, giá xăng giảm giá cả không giảm chỉ có người sản xuất và người tiêu dùng thiệt hại. Vậy nên đề nghị lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra chống gian lận thương mại và kiểm soát giá cả cho dân được nhờ.