Chỉ hoạt động trong mùa nước tràn đồng, đẩy côn là loại hình bắt cá khá đơn giản, không tốn nhiều chi phí đầu tư nhưng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân miền Tây.
Anh Nguyễn Văn Toàn, ở ấp 4, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết, đẩy côn được cho là nghề ai cũng có thể làm được. Nghề này đã thịnh hành ở đây cách nay hơn 20 năm, đem lại nguồn thu nhập nhất nhì trong các loại hình đánh bắt thủy sản trên đồng ruộng mùa lũ.
Côn là dụng cụ được làm bằng những cọng sắt nhỏ có độ dài 1,5 m, được máng vào một sợi dây nylon may dính với nhau, khoảng cách 20 - 30 cm mỗi cọng, chiều dài luồng côn từ 12 đến 15 m được làm bằng tre.
Người làm nghề đẩy côn có thu nhập tương đối ổn định. Ảnh: Ngọc Trinh.
|
Để giữ cho giàn côn vững, cân bằng, người đẩy cần phải hàn ống sắt (ống tuýp) theo hình chữ V và một ống nối thẳng đứng để kết nối các bộ phận lại với nhau. Lần lượt 2 cây tre được anh Toàn cho vào ống tuýp, 2 bó côn được mắc dọc theo tre và buộc lại bằng dây với khoảng cách 2 m mỗi mối. Tiếp đến, anh dùng một đoạn tre ngắn dựng đứng có “ngàm” để mắc dây kéo luồng côn cao hơn mặt nước. Giàn côn đã hoàn tất, anh Toàn vội bước lên, tay vớt cây sào chống xuồng để tạo lực đẩy.
Lúc này, người làm nghề chỉ cần dùng cây sào tạo lực đẩy cho xuồng di chuyển, que côn chạm cá, cá chúi và dùng nơm bắt cá là được. Vừa nói dứt lời, anh Toàn vội lấy nơm nhảy khỏi xuồng. Lội gần chục bước đến nơi có nhiều bọt nước, anh úp nơm và cho tay vào vơ mấy cái và bắt ra một chú cá lóc khoảng 200 gram. Sau khi con cá lóc được bỏ vào chiếc thùng mủ loại 20 lít.
Thời điểm đồng còn cạn, gốc rạ lúa dày nên người đẩy ít nhất cũng kiếm được trên 200.000 đồng, còn người đẩy giỏi cũng kiếm được thu nhập từ 500.000 đến 700.000 đồng/ngày. Ảnh: Ngọc Trinh.
|
Để biết được cá chúi vào nơm chính xác, anh Toàn cho hay, cần tinh ý, vì khi cá chúi sẽ tạo thành một vùng tim (bong bóng nước). Người đẩy côn sẽ đợi cho tim tan hết và dùng nơm úp là khả năng chính xác gần như tuyệt đối. Chống từng lối (hàng) xong một mảnh ruộng rộng 3 công, anh Toàn bắt được gần chục con cá lóc.
Không chỉ dễ làm, chi phí cho nghề đẩy côn không quá cao, chỉ khoảng 500.000 đồng. Nhưng để bắt được nhiều cá trước tiên người làm nghề phải có sức khỏe, tính kiên trìsán. Thông thường, các buổi sáng, những người làm nghề này phải trầm mình mò cá trong nước lạnh. Cá nhiều hay ít cũng tùy từng ruộng, hôm thu được nhiều, hôm thất thu là chuyện bình thường. Tổng cộng 2 buổi đẩy côn trong một ngày, anh Toàn bắt được 10 -15 kg cá lóc, hơn 0,5 kg cá rô. Trong đó, cá lóc được bán với giá 35.000 - 45.000 đồng/kg đem lại thu nhập 400.000 đồng/ngày.
Đang mang thùng cá lóc trên 10 kg đến chợ bán, bà Hà Thị Thu Hà, mẹ anh Toàn cho biết: “Đa phần người làm nghề câu, lưới, đẩy côn, đặt dớn, săn chuột…chọn cân cho các bạn hàng ở Cần Thơ, Vị Thanh, Rạch Gòi, Cái Tắc (Hậu Giang). Vì giá bán cao hơn 5.000 - 10.000 đồng/kg so với cân cho các bạn hàng tại chợ Hòa Mỹ, Kinh Cùng".
Cá lóc do những đẩy côn được thương lái thu mua mạnh. Ảnh: Ngọc Trinh.
|
Anh Hạ Quốc Tuấn có gần 10 năm làm nghề ở ấp 5, xã Hoà An, huyện Phụng Hiệp nói, vào mùa, cả đồng có không dưới 20 người đẩy côn. Thời điểm nước rút nên người ít nhất cũng kiếm được trên 300.000 đồng, còn người đẩy giỏi cũng bỏ túi 500.000 đồng/ngày”, anh Tuấn chia sẻ.
Ông Lê Hoàng Ba, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Mỹ, cho biết: Đẩy côn là một loại hình đánh bắt phổ biến mùa nước lũ. Người tham gia làm nghề không tốn nhiều chi phí đầu tư. Mỗi người có nguồn thu nhập 200.000 - 400.000 đồng/ngày (tùy thời điểm). Nhờ có nghề này mà nhiều hộ gia đình có việc làm và nguồn thu nhập ổn định. Ưu điểm của đẩy côn là chỉ bắt những con cá lớn nên không sợ hủy diệt cá con như loại hình đánh bắt lưới, xiệt điện, đặt dớn.