Với các nhà làm phim Việt hiện tại, thể loại hài thường là dễ, và là dễ dãi hơn cả.
Trong cuốn sách Nghệ thuật viết kịch bản của các giáo sư John W. Bloch, William Fadiman và Lois Peyser được xem là sách tham khảo chính thức của Trường đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội có câu: thể loại hài thường là khó và khó hơn cả.
Nhưng chắc là câu đó chỉ đúng ở đất Mỹ, bởi dường như với các nhà làm phim Việt hiện tại, thể loại hài thường là dễ, và là dễ dãi hơn cả, thì đúng hơn.
Nhìn vào doanh thu phòng vé phim Việt có thể thấy thể loại hài thường áp đảo các thể loại khác, dù hiện tại vua phòng vé vẫn thuộc về một phim không phải hài mà là tâm lý kinh dị: Quả tim máu.
Nhưng kế sau đó là các phim như Tèo Em, Nhà có năm nàng tiên, Cô dâu đại chiến 1 và 2... Chẳng trách được nếu chọn con đường vì doanh thu, hướng tới doanh thu, người làm phim thường chọn thể loại hài, chấp nhận phim mua vui cho khán giả và bất chấp việc mua vui ấy có chạm đến ranh giới của phản cảm hay không!
Có lẽ khán giả yêu phim Việt còn chưa quên bộ phim tâm lý hài hước duyên dáng Ðể Mai tính (2010). Khó mà phủ nhận rằng Thái Hòa đã chính thức được khai phá khả năng diễn xuất hài hước từ phim này và chết vai với kiểu hài hước đó.
Cũng sau Ðể Mai tính, Thái Hòa gần như phủ sóng các dự án phim lớn của điện ảnh Việt và trở thành con át chủ bài cho các phim thương mại.
Thái Hoà trong Để hội tính phần 2. |
Thế nên mới có Ðể Hội tính (lúc sắp phát hành thì tin hành lang cho biết phim phải đổi tên để đỡ nhạy cảm, hoặc cũng là để ăn theo cái tên Ðể Mai tính xưa nên thành Ðể Mai tính 2) như cách mà đạo diễn Charlie Nguyễn đã ấp ủ cùng Thái Hòa, Hội phải trở lại, hoang dại hơn xưa.
Phạm Hương Hội của Ðể Mai tính là một người đồng tính kiểu bóng lộ. Và yếu tố bóng lộ được khai thác khá triệt để ở cả hai phim cùng tên này, nhưng nếu ở phần 1, Phạm Hương Hội khiến cho người xem vừa cười vừa thương cảm chia sẻ thì ở phần 2 Hội đã đi qua ranh giới đó để tự biến mình đôi khi thành quá lố.
Công bằng mà nói, nếu so với Tèo Em, câu chuyện của Ðể Mai tính 2 gọn gàng hơn, đầy đặn hơn nhưng cái chất mà dân mạng gọi là hài nhây thì như nhau.
Nghĩa là để kéo được tiếng cười, đạo diễn không ngần ngại cho diễn viên tấu hài trên màn ảnh, những đoạn chủ tâm chọc cười được kéo nhây, tãi dài ra đến sốt ruột bất chấp logic của câu chuyện. Sự thỏa hiệp của đạo diễn, của nhà sản xuất, của êkip làm phim với thị trường ưa món dễ dãi là quá rõ ràng.
Tất nhiên cũng có điểm gây chút ít tranh cãi khi cộng đồng LGBT (viết tắt của tiếng Anh chỉ chung về giới đồng tính) phản ứng rằng phim này đã xúc phạm người đồng tính...
Một quan điểm khá trung lập nhưng ẩn ý đáng chú ý chính là ý kiến của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần trên Facebook cá nhân của anh: “Ðể Mai tính 2 là một phim hài rất vui, nhiều đoạn thông minh trong xử lý, nhưng cũng không ít đoạn xào lại mấy chiêu thức cũ. Có lẽ nếu đạo diễn đoạn tuyệt với mấy chiêu này thì bộ phim sẽ độc đáo hơn. Lời thoại nhiều chỗ viết duyên dáng... Phim cũng chẳng có gì là xúc phạm người đồng tính, có lẽ các bạn ấy hơi nhạy cảm tí, thế thôi. Nói chung là một phim đúng nghĩa phim hài... Sống là để sáng tạo cho chính cá nhân mình hay cho số đông? Sự lựa chọn nào cũng có cái giá kinh khủng của nó.”.
Charlie Nguyễn và ê-kíp của anh đã lựa chọn. Cái giá cũng có thể kinh khủng là cả trăm tỉ đồng doanh thu phòng vé. Cái giá đó cũng có thể đã đánh đổi một đam mê của người đạo diễn từng nói về cái đẹp trong ngôn ngữ điện ảnh, cái thiện và sự tử tế của việc làm phim Việt cho người Việt xem.