Số người dân Nhật Bản "căm thù" Trung Quốc và Hàn Quốc đã tăng lên con số kỷ lục liên quan tới những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và bất đồng lịch sử không thể giải quyết.
Hình ảnh người dân Trung Quốc đập phá ô tô do Nhật Bản sản xuất trong cuộc biểu tình hồi năm 2012 tại đại lục. |
Theo Kyodo, hôm 20/12, Văn phòng Nội các Nhật Bản thông báo cuộc điều tra dư luận từ ngày 16 đến 6/10 trên 3.000 đối tượng là người trưởng thành cho thấy 83,1% người dân nước này có tư tưởng “thù địch” với Trung Quốc. Tỷ lệ này đã tăng thêm 2,4% so với cuộc điều tra hồi tháng 11/2013. Trong khi đó, số người Nhật “ghét” Hàn Quốc cũng tăng thêm 8,4% lên mức 66,4%.
Điều đáng nói là tỷ lệ người dân có cái nhìn không thiện cảm với Trung Quốc và Hàn Quốc trong năm nay đã tăng lên mức kỷ lục kể từ khi Văn phòng Nội các Nhật Bản tiến hành điều tra lần đầu tiên vào năm 1978.
Trong bối cảnh mối quan hệ bị đóng băng, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng mới chỉ một lần gặp mặt nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tháng trước kể từ sau hai năm ông Abe lên nắm quyền. Tuy nhiên, các cuộc đối thoại song phương với Hàn Quốc đã bị Thủ tướng Park Geun-hye khước từ.
Căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc nảy sinh liên quan tới việc hai nước tranh chấp chủ quyền dãy đảo mà Seoul đang kiểm soát cũng như vấn đề lịch sử mà cụ thể là những phụ nữ Hàn Quốc bị biến thành nô lệ tình dục trong giai đoạn chiến tranh. Trong khi đó, số lượng người dân Nhật có cái nhìn "thiện cảm" với Trung Quốc đã giảm mất 3,3% xuống còn 14,8%. Con số ngày với Hàn Quốc là 31,5%, giảm 9,2% so với cuộc điều tra hồi năm ngoái.
Cuộc điều tra của Văn phòng Nội các Nhật còn hé lộ tỷ lệ người dân nước này coi Mỹ là bạn ở mức 82,6%, giảm một chút so với mức 83,1% trong cuộc khảo sát hồi tháng 11 năm ngoái.
Đối với Triều Tiên, 83% số người tham gia cuộc khảo sát của Văn phòng Nội các Nhật Bản tỏ ra quan tâm tới số phận của những công dân nước này bị Bình Nhưỡng bắt cóc. Ngoài ra, 55,6% quan tâm tới chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên. Và 54% chú ý tới hoạt động vũ trang hạt nhân của Bình Nhưỡng.