-------------------------------------------------------------------------------------------------------- -----------------------------------------------------------------------------

Một gia đình có 3 người mắc kẹt trong hầm thủy điện

Vợ chồng ông Diệm (Nghệ An) có con trai trưởng, con dâu thứ và cháu ruột bị mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng. Gia đình hiện vẫn giấu chuyện với đứa cháu nội 5 tuổi.
Trắng đêm cứu hộ 12 công nhân bị kẹt dưới hầm
Hàng trăm chiến sĩ cứu hộ thay phiên nhau thực hiện công tác đào hầm, giải cứu 12 công nhân mắc kẹt trong hầm thuỷ điện Đạ Dâng - Đạ Chomo.

Vượt gần 100 km tối 18/12, phóng viên tìm về trung tâm xã Cát Văn (huyện Thanh Chương) - nơi thân nhân 3 nạn nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng đang sinh sống.

Khi được hỏi đường đến nhà người những thân nạn nhân trong vụ sập hầm thủy điện, một người dân chỉ dẫn đến tận nhà ông Phạm Viết Diệm (68 tuổi) và bà Hoàng Thị Bình (65 tuổi). Ông, bà Diệm hiện có 3 người thân gồm con trai Phạm Viết Nam (40 tuổi), con dâu Đặng Thị Hồng Ngọc (26 tuổi, em dâu anh Nam) và cháu ruột Phạm Viết Lành (20 tuổi) đang bị kẹt dưới lòng đất ở Lâm Đồng.

Thấy có khách đến thăm, ông Diệm chạy vội ra nói nhỏ vào tai: "Đừng nói chuyện gì về việc sập hầm thủy điện kẻo đứa cháu nội Phạm Viết An (5 tuổi, con nạn nhân Ngọc) biết được". 

Nói rồi ông chạy vào nhà bế đứa cháu sang gửi nhà hàng xóm. Đứa bé ngơ ngác không hiểu chuyện gì nên ngoan ngoãn chào bà nội rồi đi chơi.

Khi quay trở về, ông Diệm nước mắt chực trào khi chưa kịp mở lời. Phía trong nhà, bà Bình cũng nấc lên từng tiếng vì lo lắng cho con, cháu.

Tay ông Diệm không rời chiếc điện thoại, suốt ngày túc trực để chờ ngóng tin tức từ hiện trường. Trong ảnh là ông Diệm đang nói chuyện với anh Bắc.
Tay ông Diệm không rời chiếc điện thoại, suốt ngày túc trực để chờ ngóng tin tức từ hiện trường. Trong ảnh là ông Diệm đang nói chuyện với anh Bắc.
Vợ chồng ông Diệm sinh ra được tổng cộng có 7 người con, trong đó 2 người con trai đầu theo nghề xây dựng thủy điện. Anh Nam vốn là một công nhân lâu năm của công ty cổ phần Sông Đà 505, từng lặn lội khắp vùng đất Tây Nguyên đến miền tây xứ Nghệ. Cách đây khoảng 1 năm, do em trai là Phạm Viết Bắc không có việc làm ổn định nên cũng theo anh đi làm công nhân.

“Biết là nguy hiểm nhưng vợ chồng chúng tôi tôn trọng quyết định của Bắc. Cách đây vài tháng, vì phận làm vợ nên Ngọc cũng quyết định theo Bắc. Lúc này mấy đứa con chúng tôi đang thi công công trình thủy điện ở huyện Con Cuông (Nghệ An) nên cũng thỉnh thoảng về thăm. Đứa con trai của vợ chồng chúng nó cũng đem sang cho ông bà chăm sóc”, ông Diệm kể.

Mới đây, nhóm này được điều vào đào hầm tại công trình đập thủy điện Đạ Dâng ở Lâm Đồng. Nào ngờ lại xảy ra sập hầm làm 12 người bị vùi lấp, mắc kẹt đến nay vẫn chưa tiếp cận được.

VideoRơi nước mắt khi nói chuyện với nạn nhân vụ sập hầm

Không ngăn được những giọt nước mắt đang chảy dài trên má, bà Bình cho biết, sáng hôm xảy ra sự việc (16/12) ông bà đều đang ở nhà thì nhận được hung tin. Cả hai người đều choáng váng, bà Bình không giữ được bình tĩnh nên sau đó ngất đi tại chỗ phải nhờ mọi người bế vào nhà, chăm sóc.

“Nghe tin, chúng tôi như rụng rời chân tay, không dám tin vào tai mình. Tôi vội gọi điện vào cho thằng Bắc thì nó nói là sập hết rồi, vùi hết rồi, cả hai vợ chồng tôi như sụp đổ hoàn toàn, bà nó thì ngất đi”, ông Diệm nhớ lại.

Lúc này, thông tin đến tai anh em, hàng xóm. Mọi người ùa đến hỏi thăm càng khiến hai ông bà càng đau lòng. Cả ngày hôm đó ông bà không chịu ăn uống gì mà cứ ngồi túc trực bên máy điện thoại di động chờ con gọi về.

“Trong số 12 người bị đất đá vùi lấp, mắc kẹt thì thằng Bắc nói có anh, vợ và đứa em con chú khiến chúng tôi càng lo lắng hơn. Thế nhưng chẳng ai dám hé nửa lời vì sợ cháu An nó biết”, ông Diệm nói.

Chiều hôm đó không thấy bố mẹ gọi về (bình thường cứ chiều tối vợ chồng anh Bắc thường gọi về nói chuyện với con), An hỏi ông nội thì ông phải nói dối là bác Nam bị kẹt trong hầm nên bố mẹ đang cứu bác. Cháu bé ngây thơ ngoan ngoãn nghe lời ông bà.

Bà Bình khóc nghẹn khi nhắc đến các con, cháu mình đang mắc kẹt dưới lòng đất.
Bà Bình khóc nghẹn khi nhắc đến các con, cháu mình đang mắc kẹt dưới lòng đất.
Những ngày tiếp theo, hai ông bà như ngồi trên đống lửa và không rời cái điện thoại. Qua anh Bắc, vợ chồng ông biết hai đứa con và cháu của mình vẫn còn sống. Mỗi lần nghe thông tin các nạn nhân được bơm sữa, nước uống, cháo, ôxy vào nơi bị sập, ông bà như có hy vọng hơn.

Sau khi sự việc xảy ra, con trai cả của anh Nam tức tốc bắt xe vào ngóng tin cha. Còn vợ người đàn ông này thì ngất lên ngất xuống không chịu ăn uống gì. Có người hỏi thăm, chị Năm (38 tuổi, vợ anh Nam) chỉ biết ôm mặt nằm khóc trên giường.

“Giờ tôi chỉ cầu mong cho chồng, em của tôi sớm được cứu ra ngoài. Đã mấy ngày rồi anh ấy và mọi người nằm trong đó chắc lạnh lắm", chị khóc nghẹn, tay đấm vào ngực khi chồng, em gặp nạn mà chỉ có thể ngồi chờ ngóng thông tin chứ không làm gì được.

Những người hàng xóm đến chia sẻ, động viên gia đình ông Diệm.
Những người hàng xóm đến chia sẻ, động viên gia đình ông Diệm.
Cũng theo lời ông Diệm, mấy hôm nay người dân trong xóm thường xuyên đến động viên gia đình. Cứ mỗi buổi trưa hay buổi tối họ lại rủ nhau đến trò chuyện cho ông bà đỡ buồn.

Bà Nguyễn Thị Lương, hàng xóm của ông Diệm chia sẻ: “Từ hôm nghe tin sập hầm, chúng tôi hôm nào cũng theo dõi tin tức. Cũng may tất cả mọi người còn sống. Giờ chỉ mong sao tất cả đều được cứu ra ngoài toàn là mừng lắm rồi”.

Cuộc trò chuyện ở gia đình ông Diệm liên tục bị ngắt quãng bởi tiếng chuông điện thoại dù đã là buổi tối muộn. Phần là người quen gọi điện đến hỏi thăm nhưng đa số là điện thoại anh Bắc gọi về nói cho bố mẹ biết tình hình.

Trong khi đó, tại nhà ông Phạm Viết Khang (bố nạn nhân Phạm Viết Lành, xã cạnh bên), không khí cũng rất nặng nề. Tất cả đều đang dõi theo từng thông tin của đội cứu hộ để sớm đưa được các nạn nhân ra ngoài.

“Từ hôm xảy ra vụ sập hầm đến giờ tôi đứng ngồi không yên. Cháu nó mới đi được thời gian ngắn, cứ tưởng đi ra kiếm đồng vốn sau này về lập nghiệp. Ai ngờ giờ đây lại đang lạnh lẽo, mắc kẹt trong lòng đất”, người bố này thổ lộ.

VideoNhiều tín hiệu khả quan trong việc cứu hộ 12 nạn nhân

Theo thông tin từ hiện trường vụ sập hầm, đến khoảng 9h30 sáng 19/12, mũi khoan thứ hai tại cửa hầm phía hạ lưu đã được thông. Rất nhiều nước và bùn cát được đưa ra ngoài. Qua lỗ khoan, các nhu yếu phẩm, vật dụng chống rét cũng sẽ chuyển được đến các nạn nhân.

Thời tiết sáng cùng ngày có nắng ấm, thuận lợi cho công tác cứu hộ. Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng thông tin về việc có thể thuê chuyên gia nước ngoài cùng tham gia.